Tình trạng lưu thông máu kém thông thường không tự sinh ra. Thay vào đó, nó là hậu quả của một số vấn đề về sức khỏe mà cơ thể đang gặp phải. Do đó điều quan trọng nhất trong trường hợp gặp phải tình trạng lưu thông máu kém là điều trị các nguyên nhân gây ra nó thay vì chỉ điều trị các triệu chứng của lưu thông máu kém. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về triệu chứng và nguyên nhân của lưu thông máu kém.
1. Lưu thông máu kém là gì?
Hệ tuần hoàn là một hệ thống đảm nhận trách nhiệm vận chuyển máu, oxy và các chất dinh dưỡng đến tất cả các mô và cơ quan trên khắp cơ thể. Khi lưu lượng máu đến một mô hay cơ quan nào đó giảm đi người ta gọi đó là tình trạng lưu thông máu kém. Lưu thông máu kém xảy ra phổ biến ở chân và cánh tay.
Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng lưu thông máu kém làthừa cân béo phì, bệnhđái tháo đường, các bệnh liên quan đến tim mạch đặc biệt là các vấn đề về hệ thống động mạch trong cơ thể.
2. Triệu chứng của lưu thông máu kém
Các triệu chứng của tình trạng lưu thông máu kém thường không rõ ràng. Tuy nhiên dù như thế, lưu thông máu kém vẫn là một trong những tình trạng nguy hiểm đối với cơ thể. Những triệu chứng dễ bắt gặp nhất của lưu thông máu kém là:
Tê và ngứa ran ở tứ chi: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của lưu thông máu kém. Thậm chí trong nhiều trường hợp, người bệnh còn có thể cảm thấy đau nhói ở đầu chi như bị kim châm.
Tay chân lạnh: Lưu lượng máu giảm khiến tay và chân có cảm giác lạnh hơn so với các bộ phận khác của cơ thể do máu còn có tác dụng điều hòa thân nhiệt. Những vùng thiếu máu thân nhiệt sẽ giảm nhanh.
Phù bàn chân: Lưu thông máu kém khiến chất lỏng tích tụ ở một số bộ phận trên cơ thể gây ra tình trạng phù đặc biệt là ở bàn chân hay mắt cá chân. Phù cũng có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim khi tim không thể cung cấp đủ lượng máu cho các mô và cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng phù bao gồm:
– Cảm giác nặng nề và sưng ở vùng bị phù
– Da căng, nóng
– Cứng khớp
– Đau ở vùng bị phù
Rối loạn nhận thức: Lưu thông máu kém có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu lên não, ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, dẫn đến tình trạng khó tập trung thậm chí suy giảm trí nhớ.
Vấn đề tiêu hóa: Quá trình tiêu hóa cũng phụ thuộc rất nhiều vào lưu lượng máu và khi lưu thông máu giảm dẫn đến tích tụ chất béo trong niêm mạc mạch máu ở bụng. Các vấn đề về tiêu hóa liên quan đến giảm lưu lượng máu bao gồm:
– Đau bụng
– Tiêu chảy
– Đi ngoài ra máu
– Táo bón
Mệt mỏi: Lưu lượng máu kém khiến tim phải hoạt động mạnh hơn để có thể cung cấp đủ máu đến các cơ quan trong cơ thể do đó dẫn đến tình trạng mệt mỏi.
Đau nhức khớp và chuột rút: Tuần hoàn kém ở các tay và chân có thể khiến khớp ở các cơ quan này đau nhức. Tình trạng sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu người bệnh phải đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu. Ngoài ra khi lưu thông máu giảm, oxy và các chất dinh dưỡng cũng không được cung cấp cho các mô qua đó dẫn đến co cứng các cơ và chuột rút.
Da xanh, nhợt nhạt: Khi lưu lượng máu không được đảm bảo, da bạn có thể trở lên xanh xao và nhợt nhạt giống với triệu chứng của bệnh lý thiếu máu.
3. Nguyên nhân của lưu thông máu kém
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưu thông máu kém, xuất phát từ hệ thống động mạch, tĩnh mạch hay các tình trạng bệnh lý khác nhau của cơ thể. Một số nguyên nhân cụ thể dẫn đến máu lưu thông kém bao gồm:
Bệnh động mạch ngoại vi: Bệnh động mạch ngoại vi hay ngoại biên (PAD) có thể dẫn đến tình trạng giảm lưu thông máu phần chân. Bệnh động mạch ngoại vi là một tình trạng tuần hoàn gây hẹp các mạch máu và động mạch. Một loại phổ biến của bệnh động mạch ngoại vi là xơ vữa động mạch biểu hiện bởi tình trạng các động mạch cứng, xơ do sự tích tụ các mảng bám trong lòng mạch.
Cả 2 điều kiện trên đều làm giảm lưu lượng máu đến các chi, đặc biệt là chân gây ra cảm giác tê bì hoặc đau. Theo thời gian, nếu không được điều trị lưu lượng máu đến các chi giảm có thể gây ra một số triệu chứng như:
– Tê bì tay chân
– Ngứa ran
– Tổn thương dây thần kinh ngoại vi
– Tổn thương các mô
Nếu không được phát hiện kịp thời, các mảng bám trong lòng động mạch cảnh có thể dẫn đến đột quỵ do động mạch cảnh là mạch máu chính cung cấp máu, oxy cũng như các chất dinh dưỡng cho tế bào não. Nếu sự tích tụ các mảng bám xảy ra trong lòng động mạch tim sẽ là nguy cơ gây ra đau tim hoặc nhồi máu cơ tim.
PAD phổ biến nhất ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên hiện nay bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa. Những người hút nhiều thuốc cũng có nguy cơ cao mắc PAD sớm.
Sự xuất hiện các cục máu đông: Các cục máu đông xuất hiện trong lòng mạch ngăn chặn một phần hoặc toàn bộ dòng chảy của máu. Chúng có thể xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể nhưng khi phát hiện ra các cục máu đông ở tay hoặc chân, đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến hệ tuần hoàn.
Các cục máu đông có thể phát triển bởi nhiều lý do và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu một cục máu đông ở chân vỡ ra, nó có thể theo hệ thống tĩnh mạch đi đến các bộ phận khác của cơ thể bao gồm cả tim và phổi. Nó cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong. Nếu được phát hiện sớm, các cục máu đông thường có thể được điều trị thành công.
Giãn tĩnh mạch: Giãn tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch mở rộng do rối loạn các van tĩnh mạch. Các tĩnh mạch nổi rõ trên da, đan xen nhau và thường được tìm thấy ở mặt sau của chi dưới. Các tĩnh mạch bị tổn thương khó có thể lưu thông máu tốt như những tĩnh mạch bình thường. Ngoài ra giãn tĩnh mạch cũng có thể khiến các cục máu đông hình thành.
Chứng giãn tĩnh mạch thông thường được quyết định bởi yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người thân bị giãn tĩnh mạch, bạn sẽ có nguy cơ cao cũng có thể mắc giãn tĩnh mạch. Ngoài ra giãn tĩnh mạch xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới và thường xuất hiện ở những người thừa cân béo phì.
Bệnh đái tháo đường: Nhiều người nghĩ rằng bệnh đái tháo đường chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu tuy nhiên đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm lưu thông máu ở một số cơ quan nhất định trong cơ thể bao gồm bắp chân, đùi hoặc mông. Những người mắc đái tháo đường tiến triển có thể khó phát hiện các dấu hiệu của tình trạng lưu thông máu kém do lượng đường trong máu quá cao làm tổn thương các dây thần kinh cảm giác ở tứ chi.
Bệnh đái tháo đường cũng có thể gây ra các vấn đề về tim và mạch máu. Những người mắc đái tháo đường có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và bệnh tim cao hơn nhiều so với những người bình thường.
Thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì mang đến nhiều tác động xấu đến sức khỏe của cơ thể. Những người thừa cân béo phì thường gặp tình trạng giảm lưu thông máu nên phải đứng hoặc ngồi một chỗ hàng giờ.
Thừa cân béo phì cũng có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh lý khác có thể ảnh hưởng đến tình trạng lưu thông máu như giãn tĩnh mạch, xơ vữa động mạch, bệnh lý về tim…
Hội chứng Raynaud: Hội chứng Raynaud là tình trạng bệnh lý xảy ra do co thắt các mạch máu ngoại vi khi gặp lạnh hoặc căng thẳng khiến lưu lượng máu, oxy và các chất dinh dưỡng cung cấp cho các cơ quan cũng như tế bào bị giảm. Hội chứng Raynaud thường xảy ra ở các ngón chân hoặc ngón tay, tuy nhiên trong một số trường hợp người ta còn bắt gặp hội chứng Raynaud ở môi, mũi, núm vú và tai….
Phụ nữ và những người sinh sống tại các vùng có khí hậu lạnh quanh năm thường có nguy cơ mắc hội chứng Raynaud cao hơn.
Lưu thông máu kém là tình trạng nguy hiểm. Bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán trong trường hợp xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của lưu thông máu kém.
Tình trạng lưu thông máu kém không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng như xơ vữa động mạch hay sự xuất hiện của các cục máu đông. Khi phát hiện sớm, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưu thông máu kém thường có thể được điều trị khỏi.