Lười ra ngoài trời, ít giao tiếp, không theo dõi huyết áp, ăn uống nhiều đường, thiếu ngủ… khiến não dễ bị thoái hóa, suy giảm trí nhớ.
Thức ăn và các hoạt động lành mạnh giúp bộ não được nuôi dưỡng, tăng cường trí nhớ, sự chú ý, khả năng suy luận và giải quyết vấn đề tốt hơn. BS.CKII Thân Thị Minh Trung (Phó Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chỉ ra những thói quen chưa phù hợp có thể gây bất lợi cho não.
Lười vận động: Không hoạt động thể chất có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức và làm cho bộ não nhanh già đi. Hoạt động thể chất có lợi cho vùng hồi hải mã (một phần của bộ não có vai trò duy trì trí nhớ). Những người trẻ cần siêng năng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tinh thần và cơ thể trẻ lâu hơn, giúp não tăng cường trí nhớ. Những người lớn tuổi đi bộ mỗi ngày, tập dưỡng sinh, yoga… cũng giúp giảm thăng bằng, chống té ngã và minh mẫn lâu hơn.
Ngồi nhiều: Nhiều người trẻ lẫn người già dành nhiều giờ trước màn hình tivi, máy tính, điện thoại…Ngồi quá lâu có thể gây ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, có liên quan đến sự gia tăng mệt mỏi. Tập thể dục có thể làm tăng lưu lượng máu não, tăng cường hoặc kích thích hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Điều này chủ yếu thông qua việc cung cấp nhiều glucose (đường) hơn cho não, giúp não khỏe mạnh, hưng phấn và nhớ lâu hơn.
Ăn thức ăn nhanh và uống đồ uống có đường: Đồ ăn, thức uống chứa nhiều chất béo và đường có thể gây hại cho tim và não. Những người uống nhiều đường và nước ngọt mỗi ngày thường có thể tích não nhỏ hơn và đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra trí nhớ, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer trong tương lai.
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể duy trì chức năng của não, bao gồm cả trí nhớ và tốc độ xử lý. Chế độ ăn Địa Trung Hải có lợi cho não, bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt; chất béo không bão hòa đơn có trong dầu ô liu, quả hạch và quả bơ; axit béo omega-3 không bão hòa đa có trong cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá mòi và cá hồi); chất béo từ các nguồn thực vật như hạt lanh và một lượng vừa phải rượu vang và thịt đỏ.
Ở một mình, ít giao tiếp: Sống thu mình có liên quan đến suy giảm nhận thức. Trong khi, gắn kết với người xung quanh giúp cuộc sống tích cực, duy trì sức khỏe nhận thức và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Tiếng cười giải phóng các hóa chất tạo cảm giác dễ chịu trong não gọi là endorphin.
Không theo dõi chỉ số huyết áp: Để não khỏe mạnh, những người có bệnh nền, người già cần phải theo dõi chỉ số huyết áp để giữ ở mức bình thường. Huyết áp cao và huyết áp thấp đều có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Huyết áp bất thường có thể khiến máu không lên não đủ, xơ cứng và thu hẹp các mạch máu. Do đó, giữ cho huyết áp luôn ở mức ổn định (thường là 120/80 mmHg hoặc thấp hơn một chút) giúp cho máu điều hòa ổn định, não được cung cấp đủ lượng oxy và máu để hoạt động.
Thiếu ngủ: Thiếu ngủ không chỉ khiến bạn khó tỉnh táo vào ngày hôm sau mà còn bị suy giảm chức năng thần kinh trong thời gian dài. Trong khi ngủ, hệ thống glymphatic hoạt động tích cực nhất. Nó giúp loại bỏ những chất có hại trong quá trình trao đổi chất của hệ thần kinh trung ương. Các mảng beta amyloid trong não đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm trí nhớ, giảm nhận thức. Do đó, những người ngủ quá ít (thường xuyên ít hơn 6 giờ một đêm) có nhiều mảng amyloid hơn trong não khiến suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ.
Quá căng thẳng: Căng thẳng có thể góp phần gây ra chứng hay quên, trầm cảm, lo lắng và khó tập trung. Làm việc quá sức và căng thẳng có thể gây ra sương mù não. Nếu không được điều trị, sương mù não có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và dẫn đến các tình trạng khác như bệnh Parkinson, mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.
Không tham gia vào các hoạt động giải trí: Những người thường xuyên tham gia các hoạt động giải trí như chơi cờ, đọc sách, chơi ô chữ, khiêu vũ và chơi nhạc cụ ít có khả năng phát triển chứng mất trí nhớ hơn so với người ít tham gia. Người chơi nên kết hợp đa dạng các hoạt động và đảm bảo tính thử thách với ít nhất 3-4 lần một tuần.
Không tiêm vaccine: Bên cạnh phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, vaccine cũng có thể giúp não khỏe mạnh. Ví dụ, người đã tiêm phòng cúm và bệnh truyền nhiễm có thể giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, não khỏe hơn.