Chuối, cơm trắng, nước sốt táo, nước hầm xương, ức gà dễ tiêu hóa, nhiều chất dinh dưỡng góp phần bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Phương pháp điều trị đau dạ dày có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một số thực phẩm hỗ trợ làm dịu cơn đau, giúp người bệnh dễ chịu hơn và tránh đau bụng tái phát.
Chuối dễ tiêu hóa, có nhiều kali. Các triệu chứng ở dạ dày như buồn nôn, nôn có thể gây mất nước và chất điện giải như kali, natri. Người thường đau dạ dày nên ăn chuối chín, hạn chế chuối xanh và chuối chưa chín kỹ vì có nhiều nhựa dễ kích thích dạ dày co bóp, gây tổn thương dẫn đến khó chịu.
Cơm trắng giàu tinh bột, ít chất xơ giúp làm cứng phân, ngăn ngừa tiêu chảy cũng như các vấn đề về dạ dày khác. Gạo lứt cũng có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng khó tiêu hóa hơn gạo trắng. Do đó, người bệnh chỉ nên thi thoảng dùng gạo lứt.
Nước sốt táo là một phần của chế độ ăn kiêng BRAT. Các thực phẩm trong chế độ ăn này gồm chuối (banana), cơm (rice), táo (apple) và bánh mì nướng (toast) dễ tiêu hóa, nhiều chất dinh dưỡng.
Nước sốt táo được nấu chín và loại bỏ vỏ nên dễ tiêu hơn ăn táo sống. Sốt táo chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm pectin – chất xơ hòa tan trong nước có thể làm tăng khối lượng phân, tránh tiêu chảy.
Ức gà cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng protein cao góp phần thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào mới, làm lành vết loét ở dạ dày. Khi ăn thịt gà, các cơ trơn của dạ dày được thư giãn, điều hòa quá trình co bóp, hạn chế đau bụng. Ăn gà đã loại bỏ hết da, chế biến nhạt thay vì nêm quá nhiều gia vị.
Khoai tây chứa nhiều kali. Một củ khoai tây nhỏ có khoảng 3,7 g kali. Nên luộc khoai tây, không thêm các gia vị gì khác để làm dịu dạ dày. Loại củ này giàu chất cellulose có tác dụng giảm đau, giảm tiết axit dạ dày, bảo vệ niêm mạc, hỗ trợ vết loét nhanh lành.
Nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, góp phần trung hòa axitt dạ dày, làm lành các vết loét dạ dày nhanh hơn. Nghệ có thể dùng để uống trà, sữa nghệ hoặc làm gia vị khi nấu ăn.
Các món súp như canh, nước hầm xương, súp nên ưu tiên trong chế độ ăn để giảm tần suất làm việc của dạ dày. Các món súp nên hầm mềm, kết hợp với đậu hoặc củ quả cung cấp chất dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, trung hòa axit tại dạ dày, giảm kích ứng. Người đau dạ dày nên uống nước mật ong ấm thường xuyên, 1-2 cốc mỗi ngày. Mật ong cũng có thể thay thế đường khi làm các món nước ép, sinh tố.
Hải sản như cá hồi, cá, tôm, cua… giàu đạm, canxi, kẽm giúp vết loét nhanh lành hơn, có lợi cho người bệnh dạ dày. Nên chế biến đơn giản như luộc, hấp; tránh chiên hay tẩm ướp nhiều dầu mỡ, chất béo xấu.