Bernadette Joy, CEO công ty đào tạo tài chính cá nhân Crush Your Money Goals, đã chia sẻ những thói quen tiết kiệm đã “ăn sâu vào máu”.
Là người con thứ 8 trong gia đình 9 anh chị em và là người Mỹ gốc Philippines thế hệ đầu tiên, Bernadette Joy hiểu rõ những rắc rối tiền bạc nên muốn giúp người khác tìm thấy ổn định tài chính.
Năm 2016, Bernadette mắc nợ 300.000 USD. Dù lo lắng, cô vẫn học hỏi để xoay chuyển tình hình và từ đó hình thành đam mê trong lĩnh vực tài chính.
Cô đã lập một kế hoạch, trả hết nợ trong ba năm và cuối cùng trở thành triệu phú ở tuổi 30. Là một cố vấn tài chính, cô giúp hàng nghìn người thoát khỏi nợ nần, làm chủ khoản tiết kiệm của họ và bắt đầu đầu tư.
Bernadette chia sẻ, dù sở hữu bao nhiêu của cải, cô không bao giờ từ bỏ 7 thói quen tiết kiệm trước đây của mình.
Mua miếng thịt rẻ tiền nhất
Khi đi siêu thị, Bernadette tìm những phần đùi gà có giá rẻ nhất để tiết kiệm thêm 23 xu. Là người thích ăn thịt nướng Hàn Quốc, thay vì mua phần sườn truyền thống giá 12 USD, cô chỉ mua đoạn cuối với giá 8 USD. Dù không đẹp bằng, chúng lại có ít xương hơn và dễ chế biến hơn. Ngoài ra, nó tốt cho túi tiền của cô hơn.
Giữ lại bộ đồ dùng một lần của khách sạn
Do tính chất công việc tại công ty, Bernadette thường xuyên đi công tác. Cô sẽ giữ lại bộ đồ dùng một lần của khách sạn nơi cô lưu trú vì chúng sẽ hữu ích trong các tình huống bất ngờ, đặc biệt nếu hay phải đi lại.
Bernadette cho biết cô yêu thích các khách sạn châu Á vì họ thường cung cấp bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược, dây buộc tóc chất lượng cao hơn thông thường. Cô dùng mũ trùm tóc và dây buộc tóc để sắp xếp các món đồ điện tử như bộ sạc dự phòng.
Thậm chí, cô còn tái sử dụng bàn chải đánh và kem đánh răng để đánh giầy khi chúng bị bẩn sau quãng đường đi bộ dài.
Tái sử dụng hộp đồ ăn
Thay vì vứt vào thùng rác, Bernadette giữ lại các hộp đựng thức ăn của nhà hàng để lưu trữ. Chúng có nhiều kích cỡ khác nhau và chắc chắn hơn so với hộp nhựa truyền thống nên phù hợp để cất thức ăn thừa hoặc sắp xếp các vật dụng nhỏ. Nó cũng tốt với môi trường hơn là ném đi sau một lần sử dụng.
Dùng đến giọt sản phẩm cuối cùng
Bernadette không xấu hổ khi thừa nhận sẽ bóp ống kem đánh răng đến khi không còn gì cả. Các món đồ vệ sinh cá nhân hay sản phẩm làm đẹp, đặc biệt là chăm sóc da, cũng như vậy.
Với một số người, điều này có vẻ như quá hà tiện nhưng cô cho biết thói quen này bắt nguồn từ việc cô lớn lên với bệnh chàm. Cô phải chi hàng chục nghìn USD cho thuốc và kem dưỡng da chuyên dụng nên phải hết sức tiết kiệm. Những sản phẩm đó đã giúp cô thoát khỏi bị bắt nạt khi còn nhỏ và không còn cảm thấy tự ti khi trưởng thành, nhất là khi cô thường nói trước đông đảo khán giả.
Xem giá trước khi gọi món
Dù đã đạt đến mức độ tài chính dư dả, Bernadette vẫn giữ thói quen xem giá trước khi gọi món mỗi lần ăn bên ngoài. Cô nhận thấy nhiều nhà hàng xếp các món giá cao hơn ở đầu thực đơn để thu hút sự chú ý của thực khách. Vì vậy, cô thường bắt đầu từ cuối thực đơn và phát hiện ra nhiều lựa chọn hợp lý hơn.
Bảo quản túi mua sắm loại tốt
Mẹ của Bernadette giữ lại từng chiếc túi một, dù chỉ là túi nilon để đựng rác hoặc thức ăn thừa. Cô thừa hưởng thói quen này khi có cả một bộ sưu tập túi riêng cất giấu dưới bồn rửa nhà bếp. Cô cũng giữ lại những chiếc túi mua sắm loại tốt, thời trang và chắc chắn để tận dụng tối đa số tiền bỏ ra.
Cô dùng chúng để đựng các bữa ăn nhẹ, bữa trưa, đồ dùng nhỏ khi ra ngoài và mang theo một hoặc hai chiếc trong hành lý du lịch.
Mặc áo phông miễn phí đến phòng tập gym
Bernadette thường được nhận áo phông miễn phí khi tham dự hội thảo hoặc sự kiện. Vì vậy, cô thường mặc chúng đến phòng tập gym, lớp học khiêu vũ thay vì mua quần áo chuyên dụng đắt tiền. Cô cũng mang theo chai nước miễn phí trong các túi quà tặng.
Theo Bernadette, những thói quen tiết kiệm dường như ngớ ngẩn này khiến cô cảm thấy ít tội lỗi hơn khi tiêu tiền vào những thứ khác đắt đỏ hơn. Ngoài ra, nó còn nhắc nhở cô về những lựa chọn mà cha mẹ đã làm cho mình có nhiều cơ hội như bây giờ.